VinEco phải nhập phân bón, giống từ nước ngoài vì chất lượng và sự ổn định của các nguồn cung trong nước không đảm bảo. Ngành chăn nuôi cũng lẹt đẹt không thể phát triển vì “thịt mình ăn toàn… đô la. Từ nguyên liệu thức ăn cho gia súc như bắp, bã đậu nành, cám gạo đến các loại thuốc cho heo, gà, cá… đều phải nhập khẩu”, ông Phạm Phú Ngọc Trai từng phát biểu.
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” – cụm từ này xuất hiện trong nhiều diễn đàn, hội thảo gần đây về nông nghiệp. Nhưng đến nay, ứng dụng IoT, blockchain… vào nông nghiệp ở nước ta mới dừng lại ở thí điểm, chưa được nhân rộng và đi vào thực tế. Chưa kể, các công nghệ cao “dưới 4.0” khác chỉ mới được 10% lực lượng sản xuất nông nghiệp áp dụng.
Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam đang ở đâu?
Theo ông Phan Thái Trung (Hợp tác xã Nông nghiệp số), danh mục các công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp bao gồm: công nghệ sinh học; kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản; công nghệ tự động hóa; công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.
IoT, blockchain – các thành tố của công nghiệp 4.0 – nằm trong mảng tự động hóa.
Về nông nghiệp công nghệ cao, tại hội thảo Tầm nhìn và giải pháp phát triển “Nông nghiệp thông minh” bền vững (thuộc Industry 4.0 Summit diễn ra tuần qua tại Hà Nội), bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó TGĐ VinEco (công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco) nói cụ thể hơn:
“Đặc trưng của nền nông nghiệp công nghệ cao, ngoài nhà kính nhà màng, còn có công nghệ sinh học, giống, phân bón, vật tư sản xuất, quy hoạch thông minh, hay công nghệ vận hành, ứng dụng công nghệ thông tin, cơ giới hóa, tự động hóa…”
Trên thực tế, nông nghiệp công nghệ cao vẫn là cuộc chơi của các doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô lớn – có tiềm lực về vốn, quy mô sản xuất, quản trị.
Bởi vì nông hộ – chiếm 90% lực lượng sản xuất nông nghệp (theo Forbes Việt Nam 4/2018) thì chưa thể nào hiện đại được, vì “không ai muốn đầu tư công nghệ vào sản xuất quy mô nhỏ và sản lượng thấp,” theo lời chủ tịch GIBC Phạm Phú Ngọc Trai trên Forbes Việt Nam.
Tại diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2018, TS Đào Thế Anh (Phó chủ tịch hội Khoa học Phát triển Nông nghiệp Việt Nam) từng chỉ ra những lạc hậu từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng trong chuỗi cung ứng của nông nghiệp Việt, như sử dụng quá nhiều lao động, tổn thất sau thu hoạch cao, giá trị gia tăng thấp… và khẳng định “nhìn chung, thiếu áp dụng công nghệ hiện đại.”
Chưa kể công nghệ cao ở đâu xa, các yếu tố cơ bản như vật tư nông nghiệp nước ta vẫn chưa thể chủ động. Lãnh đạo VinEco cho biết doanh nghiệp này phải nhập phân bón, giống từ nước ngoài vì chất lượng và sự ổn định của các nguồn cung trong nước không đảm bảo. Hay ngành chăn nuôi vẫn lẹt đẹt không thể phát triển vì “thịt mình ăn toàn… đô la. Từ nguyên liệu thức ăn cho gia súc như bắp, bã đậu nành, cám gạo đến các loại thuốc cho heo, gà, cá… đều phải nhập khẩu,” như ông Phạm Phú Ngọc Trai từng phát biểu.
Về công nghệ, TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay hiện nay các thiết bị 4.0 như IoT thì phải nhập từ Nhật, Mỹ với chi phí đắt. Thiết bị phần cứng doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được.
Doanh nghiệp nông nghiệp chần chừ khi đầu tư công nghệ?
Nhưng không chỉ bà con sản xuất nhỏ lẻ không mơ màng đến công nghệ cao, ngay cả các doanh nghiệp nông nghiệp lớn (dù đã có nhiều cái tên mạnh dạn đầu tư) phần nhiều vẫn còn chần chừ.
Ông Nguyễn Đăng Triều Thiên – Giám đốc điều hành Lina Network – một doanh nghiệp cung cấp công nghệ blockchain vào chuỗi cung ứng nông nghiệp, cho biết Lina Network chưa hợp tác được với người Việt mà đã bắt tay với doanh nghiệp Thái Lan và Lào trước.
“Khi công ty tổ chức hội thảo bên Thái Lan thì họ thấy được tiềm năng của lĩnh vực này, họ tiếp cận mình và đề nghị hợp tác,” ông Thiên cho hay. Còn các doanh nghiệp Việt, theo ông, “đa phần vẫn còn đang suy nghĩ, quan sát chứ chưa bắt tay vào quyết liệt như Thái Lan hay Lào.”
Ông Nguyễn Đăng Triều Thiên – Giám đốc điều hành Lina Network
Trên thực tế, doanh nghiệp Việt có nhiều lý do để chần chừ. Ngoài những rào cản về chính sách, nông nghiệp công nghệ cao, bên cạnh câu chuyện về vốn, nhân sự thì là chuyện tiếp nhận công nghệ sao cho phù hợp vào tình hình sản xuất thực tế.
Đó là một quá trình tìm tòi, thử nghiệm về cả công nghệ, sản phẩm và thị trường, để làm sao đầu tư nhiều tiền vào công nghệ mà không… lỗ.
Ông Mai Hữu Tín – Giám đốc Unifarm – doanh nghiệp thành công khi áp dụng công nghệ vào sản phẩm dưa lưới và chuối, đem về doanh thu hơn 10 ngàn tỷ đồng (2017), chia sẻ từng thử nghiệm công nghệ với 20 loại cây trồng khác và nhiều loại gặp thất bại. Cà chua công nghệ cao của Unifarm từng bán giá gấp 4 – 5 lần cà chua Đà Lạt. “Các sản phẩm mình đầu làm được, nhưng vấn đề là giá thành,” ông Tín chia sẻ trên Forbes Việt Nam 4/2018.
Làm sao để không lỗ?
“Chúng ta phải xác định là sản xuất cái gì. Và với sản phẩm đó, phục vụ cho ai, người nào, tiêu chuẩn nào. Để mà ra một tiêu chuẩn như thế thì chúng ta cần lựa chọn công nghệ gì,” bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó TGĐ VinEco nhận định.
Theo ví dụ của bà Phương Thảo về ứng dụng nhà kính vào dưa lưới và cây ăn lá, trong khi mô hình nhà kính áp dụng cho dưa lưới có mức đầu tư 15 tỷ, thì con số này chỉ là 2 – 3 tỷ đối với rau ăn lá. Cùng là công nghệ nhà kính nhưng với 2 sản phẩm khác nhau thì có mức đầu tư khác nhau, đều đem lại “chất lượng ổn định, hiệu quả quay vòng nhanh,” theo lời lãnh đạo VinEco.
“Phải xác định là sản xuất cái gì. Và với sản phẩm đó, phục vụ cho ai, người nào, tiêu chuẩn nào. Để mà ra một tiêu chuẩn như thế thì chúng ta cần lựa chọn công nghệ gì.”
“Cần tỉnh táo trong lựa chọn công nghệ” là khuyến nghị của bà Thảo dành cho các doanh nghiệp nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thành, Đại diện Tập đoàn Turatti thì nhận định:
“Ứng dụng công nghệ vào có lãi hay không thì thật ra nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Doanh nghiệp mới hay lâu năm, thị trường như thế nào, ứng dụng vào bao lâu thì thu hồi vốn và bao lâu có lãi.”
Theo ông Thành, các doanh nghiệp chuyển dịch từ công nghệ cũ sang công nghệ mới, thì họ có thị trường sẵn, họ có đơn hàng mới, nhu cầu mới thì update công nghệ lên. Còn những doanh nghiệp đầu tư ngay từ đầu sẽ phải cân nhắc nhiều về thị trường đầu ra.
Hội thảo Tầm nhìn và giải pháp phát triển “Nông nghiệp thông minh” bền vững
Nhưng tại hội thảo Tầm nhìn và giải pháp phát triển “Nông nghiệp thông minh” bền vững, các diễn giả cũng đồng tình về những cái lợi to lớn khi doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Như theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nếu bình thường VinEco trồng rau 3 – 4 vụ/năm tại miền Bắc, thì ở Lâm Đồng trồng rau trong nhà kính được 10 vụ/năm.
“Sản phẩm rau ăn lá, mức đầu tư 2 – 3 tỷ cho vùng Lâm Đồng cho hiệu quả quay vòng rất nhanh so với các vùng canh tác khác. Ví dụ như miền Bắc, mỗi năm chỉ được 3, 4 vụ thôi còn lại mưa rồi nắng nóng không sản xuất được. Nhưng trồng trong nhà kính có thể quay vòng lên rất nhiều, ví dụ 9, 10 vụ,” bà Phương Thảo nói.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Phạm S cũng khẳng định:
“Quả cà chua bình thường sản lượng bình quân 45 tấn/1 hecta. Nếu ứng dụng công nghệ cao như giống mới, giá rẻ, nhà lưới… thì doanh thu 300 tấn/hecta. Riêng về ứng dụng nhà kính đã gấp 6 lần. Điều đó chứng tỏ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất hiệu quả.”