Hoa Hồng luôn được mệnh danh là biểu tượng của tình yêu và sắc đẹp. Bạn có muốn sở hữu riêng cho mình một khu vườn hoa hồng tuyệt đẹp? Chỉ cần thuộc lòng các bước trồng của Nguồn Sinh Thái bạn có thể thành chuyên gia trồng hoa hồng nhé.
Trên thế giới có hơn 300 loại hoa hồng khác nhau. Riêng ở nước ta đã có hơn 50 loại hoa hồng với màu sắc, kiểu dáng… khác nhau. Được chia thành các nhóm: giống đỏ, giống phấn hồng, giống vàng, giống hồng sen, giống trắng và hệ nhiều mau pha trộn.
Nếu bạn là người mới bắt đầu chơi hoa hồng, hãy dành một chút thời gian nghiên cứu các đặc điểm cụ thể của khu vực trồng của mình, sau đó tìm những loại hoa hồng có đặc điểm phù hợp
Bạn có thể mua cây giâm, chiết, ghép… có sẵn ở các vườn ươm cây uy tín để tỉ lệ cây sống, khỏe cao hơn. Các cây hoa hồng lúc mới mua về, vì đã phải trải qua 1 đoạn đường di chuyển xa, thay đổi môi trường sống. Do đó khi đến tay bạn, cây thường sẽ mất khá nhiều sức. Vì thế, bạn cần tháo bầu và vô chậu cho những cây hồng này đúng cách để đảm bảo rằng chúng sẽ sinh trưởng tốt.
Nên chọn chậu trồng hoa hồng phù hợp với độ tuổi và kích thước của cây hoa hồng. Nếu đó là một cây hồng trưởng thành, thân cây lớn, nhu cầu nước nhiều thì trồng trong một chậu lớn sẽ giúp giữ ẩm lâu. Còn để trồng những cành giâm mới mọc rễ và còn yếu thì nên chọn chậu nhỏ sẽ thích hợp hơn, nếu dùng chậu lớn, khi tưới lượng nước dư thừa không có lối thoát ra thì bộ rễ cây hồng sẽ hư thối, làm chết cây.
Đồng thời, khi chọn chậu trồng hoa hồng nên chọn loại chậu có chân, để đáy chậu không áp sát xuống mặt đất, gây trở ngại cho việc thoát nước. Nếu không, phải kêu chậu lên cao, cách mặt đất khoảng 5cm mới tốt. Chú ý lỗ thoát nước ở dưới đáy chậu bởi hoa hồng không chịu được ngập úng. Nên chọn loại chậu có hai lỗ thoát nước, nếu chỉ có một, thì lỗ đó phải đủ rộng (đường kính khoảng 2cm) mới đủ sức thoát nước.
Để trồng hoa hồng trong chậu đúng cách trước hết cần phải chọn đất tơi xốp, giá thể có độ thoáng, giữ ẩm và thoát nước tốt.
Giá thể Eco N3 và CocoFlora được đánh giá là có chất lượng tốt, tăng hiệu quả, cho hoa có màu sắc bền đẹp, cứng cây, dày lá, giúp bộ rễ khỏe mạnh nhờ có chứa các chủng vi sinh vật đối kháng nấm bệnh giúp cây tăng sức đề kháng chống chịu được sâu bệnh hại tấn công cây hoa hồng.
*Vị trí trồng cây hoa hồng
Là loại cây thích hợp nơi thoáng gió và có ánh sáng đầy đủ. Để hoa hồng sai hoa, chuẩn form thì vị trí trồng rất quan trọng. Nên chọn nơi có hướng ánh nắng mặt trời chiếu vào buổi sáng hay nắng chiếu xuyên. Nhất là tránh ánh nắng gay gắt vào giữ trưa cho cây.
Để cho chậu hoa có độ thông thoáng nước, dưới đáy lót một ít Viên Đất / sỏi nhẹ Nung. Tiếp đến trồng hoa hồng vào chậu và cho giá thể đã trộn lấp đầy gốc cây. Nếu cây hồng nằm trong bầu nilon thì đặt cây nằm nghiêng trong chậu, dùng dao bén rạch đứt bao nilon từ trên xuống dưới để tách bao ra khỏi bầu. Sau đó, nhẹ nhàng đặt cây hoa hồng đứng thẳng giữa chậu, rồi lấy hỗn hợp vừa trộn lấp xung quanh. Nên dùng tay ấn đất cho dẽ xuống để giữ cho gốc khỏi lung lay. Không nên ấn quá chặt vì có thể làm đứt các rễ non của hồng.
Lưu ý: Trước khi tách bầu nên ngưng tưới một ngày, vì đất mềm quá sẽ dễ vỡ bầu.
Khi trồng xong, ta nên tưới nhẹ lên toàn thân cây và gốc cây một lần nữa, giúp cho đất dẽ xuống, cây phát triển tốt hơn. Việc kế tiếp là dùng vài que tre nhỏ bằng ngón tay út, với chiều dài khoảng 40 – 50cm, một đầu cắm sâu xuống đất, còn đầu que hướng về phía thân hay các cành hồng, cột chặt chỗ nhánh hồng tiếp giáp với que tre để giúp cây có thể đứng thẳng, đứng vững khi bộ rễ của nó chưa đủ để tiếp xúc với môi trường sống mới.
Sau cùng, ta che nắng cho chậu hồng, hoặc mang chậu vào nơi có bóng râm, giúp cây khỏi héo úa.
Khi cây đã sống ta đặt chậu ở nơi có ánh sáng đầy đủ, thoáng gió. Nếu lá hoa hồng được chiếu đủ 8 tiếng ánh nắng thì cây sẽ sinh trưởng tốt, lớn nhanh, ít bị sâu bệnh hại. Khi được chăm sóc tốt hồng còn cho ra nhiều hoa với màu sắc rực rỡ và tươi hơn.
Hoa hồng trồng chậu lượng đất ít nên khả năng giữ nước cũng bị hạn chế rất nhiều, nhờ việc bón phân bạn không cần phải tưới nước thường xuyên. Tính năng tuyệt vời của phân trùn quế là khả năng ngậm nước bằng 9 lần thể tích của nó nên sẽ giữ ẩm tốt và cung cấp cho cây hồng khi bị thiếu, không gây ra hiện tượng ngập úng.
Nên nếu hoa hồng trồng chậu có thể tưới 2 ngày/lần tùy điều kiện thời tiết. Chú ý chăm sóc, tưới nước cho hoa hồng khi thấy đã khô nước, phải tưới đẫm chứ không nên chỉ tưới ở trên bề mặt.
Nên chia làm 3 giai đoạn bón: bón dưỡng rễ lúc hoa gần tàn; bón nuôi mầm lúc mầm lên; và bón nuôi hoa khi cây ra nụ. Cách bón:
– Sau khi hoa tàn: nên để cây nghỉ ngơi, khoan hãy bón phân vì phân dễ gây kích mầm sớm. Muốn cây khoẻ lâu dài thì không nên cắt tỉa, chỉ cắt bông hoa tàn nhưng để lại cuống cho tự rụng (nếu thật sự muốn cắt thì chỉ cắt xuống 1-3 nách lá tuỳ lượng lá trên cây, không được cắt dọn dẹp cây-đừng vác kéo ra vườn mà tiện tay thảm sát cây cứ mỗi khi hoa tàn. Chú ý không được cắt các bộ phận không mang hoa, bỏ khái niệm cắt cành tăm ra khỏi từ điển vì cành tăm không bao giờ làm hại cây, nó luôn có lợi cho cây. Cắt tỉa tạo tán và để trẻ hoá cây thì chỉ mỗi năm 1 lần vào dịp đầu xuân với điều kiện cây khoẻ). Sau khi cây bật mầm tự nhiên thì bổ sung phân có hàm lượng lân cao kèm kích rễ để cây ra hệ rễ mới nhằm hồi sức để nuôi lứa mầm mới. Các loại lân cao thường là phân chuồng như trâu bò dê ngựa cho rễ phát triển. Hoặc có thể bổ sung chút loại phân nung chảy.
– Sau khi bón phân lần 1 nửa tháng: lúc này mầm dài chừng 20cm thì bổ sung thêm phân cao đạm. Chú ý phun phòng trĩ nhện để giữ lá. Lứa lá của lứa hoa trước sẽ là nguồn chủ đạo cung cấp sức cho lứa mầm hiện tại, nên không được để hư hại. Vẫn bón phân như bón giai đoạn 1 nhưng giảm bớt lượng xuống và kết hợp thêm với phân cao đạm như: cá, đỗ tương, bánh dầu, trứng tươi… (không cần dùng kích rễ).
– Thời kỳ ra nụ: cần bón loại cao kali hơn. Vẫn bón như giai đoạn 1 nhưng giảm bớt để thêm phân ủ rau quả củ giàu kali như chuối, ge rau củ… (không cần dùng kích rễ). Giai đoạn này hoa đẹp hay không là phụ thuộc thời tiết và phụ thuộc số lượng lá của thế hệ hoa trước đó. Nếu giai đoạn 2 mà bón quá nhiều đạm để thúc mầm thì cây sẽ cạn đường dự trữ khiến hoa ko còn đường để phát triển…. Vì vậy hãy bón cân đối, đừng bón quá nhiều tới mức bón hôm nay mà ngày mai đã có kết quả.
Phân trùn quế là một loại phân hữu cơ 100% được tạo thành từ phân trùn quế nguyên chất, cung cấp các chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng mà sẽ không có rủi ro, cháy cây nào xảy ra khi sử dụng phân trùn quế để bón cho hoa hồng. Do đó sử dụng phân trùn quế độ an toàn cao hơn hẳn so với các loại phân chuồng khác.
Cách bón phân có thể tham khảo thêm từ hội hoa hồng trên các hội nhóm!
Thời gian thu hái vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát vì thời gian này cây còn nhiều nhựa, nhiều nước nên hoa lâu tàn, lâu héo. Trước khi cắt nên tưới nước nhiều hơn mức bình thường để cây dự trữ một lượng nước cho hoa (vì sau khi cắt hoa hồng sẽ bốc hơi mất nước).
Cắt bằng dao kéo sắc, cắm ngay vào nước sạch rồi đưa vào nơi kín gió, râm mát để bảo quản. Vị trí cắt nên chừa lại 2 – 4 đốt hoặc cắt sát cành hoa chính. Khi cắt nên chú ý chừa lại khoảng 3 lá phía dưới cành để sau này phần còn lại của cành hồng sẽ lên 3 chồi mới để ít nhất cành hồng mới sẽ cho từ 1 – 3 hoa ở lứa sau. Khi cắt hoa nên kết hợp với cắt tỉa bỏ cành tăm, cành không cần thiết, cắt bỏ lá hư và hoa đã tàn. Sau khi cắt, tỉa hoa xong tiếp tục chăm sóc, bón phân.
Hoa hồng bị sâu bệnh do những nguyên nhân như: chậu trồng ở nơi ẩm ướt, thiếu ánh sáng hoặc tình trạng bị ngập úng khi trời mưa. Sâu bệnh tấn công sẽ làm hồng giảm sức sống, hoa lá bị hư hỏng, cây bị suy kiệt và có thể bị chết cây.
1. Bệnh đốm đen
Lá hồng xuất hiện những đốm màu đen, lá vàng úa và rụng dần. Nên trồng hồng ở nơi khô thoáng, giữ lá ráo nước, cắt tỉa những lá bị bệnh và có chế độ chăm sóc hợp lý. Bạn có thể sử dụng 1 muỗng cà phê baking soda pha vào 1 lít nước, thêm vài giọt xà phòng để phun khử trùng cho cây.
2. Bệnh phấn trắng
Những lớp bột màu trắng bao phủ lên thân và lá hoa hồng. Bệnh xuất hiện do khu vực trồng ẩm ướt và thiếu ánh nắng trực tiếp. Có thể rải vôi để phòng bệnh, nếu cây đang bị bệnh có thể phun baking soda kéo dài trong vài ngày để trừ bệnh.
3. Bệnh gỉ sắt
Trên lá hoa hồng xuất hiện những đốm nhỏ màu vàng và lan dần hết toàn bộ lá. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết ẩm ướt do đó khi bị gỉ sét, chúng ta phải ngưng tưới nước và dùng nước vôi, baking soda để khử trùng.
4. Bệnh héo Verticillium
Bệnh gây hại nặng trong mùa hè, lúc thời tiết khô hạn. Khi thấy trên các ngọn héo những vẫn còn xanh, lá phía dưới vàng, ban đêm có thể phục hồi nhưng sau vài ngày chuyển sang màu vàng và cuối cùng là màu nâu. Cây tàn úa, chết và thường bắt đầu chết từ ngọn xuống. Để phòng trừ cần khử trùng đất trồng bằng hóa chất như formol 3%. Tuy nhiên, bệnh rất khó phòng trừ đối với hoa trồng ngoài đồng với diện tích lớn.
5. Rệp
Có màu trắng, nâu hoặc xanh thường tập trung trên đỉnh chồi và chồi hoa. Khi rệp tập trung nhiều sẽ khiến cây bị nhăn nheo, dễ gãy, làm hư hỏng nụ hoa. Phòng trừ rệp bằng cách xịt nước, các chế phẩm hữu cơ, nếu phức tạp hơn có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp không độc hại.
Ngoài ra, nhện đỏ, nhện trắng, bọ trĩ, sâu ăn lá hay ốc sên cũng là nguyên nhân gây hại cho hoa hồng. Chúng ta cần phải quan sát, chăm sóc hồng thường xuyên để hạn chế tối đa sâu bệnh cho cây.
Với kỹ thuật trồng hoa hồng mà Nguồn Sinh Thái chia sẻ, hy vọng rằng sẽ giúp ích được cho các bạn mới tập trồng hoa hồng.
Thông tin liên hệ
Hotline: 0834 999 500 - 0916 888 300
Email: nguonsinhthai@gmail.com